Tìm hiểu chung bệnh tay, chân, miệng
Bệnh tay, chân, miệng là bệnh lý truyền nhiễm do vi rút đường ruột gây ra, lây từ chủ yếu qua đường tiêu hóa, dễ gây ra dịch. Tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A6, A10, A16, Enterovirus 71 hoặc các enterovirus khác gây ra. Bệnh phổ biến nhất là ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.
Biểu hiện đặc trưng là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối. Ngoài ra còn có các triệu chứng như sốt, đau miệng, chán ăn.
Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và thậm chí là gây tử vong. Các trường hợp biến chứng nặng thường do EV71.
Triệu chứng bệnh tay, chân, miệng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tay, chân, miệng
Bệnh tay chân miệng ủ bệnh từ 3-7 ngày.
Giai đoạn khởi phát từ 1-2 ngày với triệu chứng sốt và các triệu chứng giống cúm: Mệt mỏi, đau họng,…
Giai đoạn toàn phát kéo dài từ 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình như:
- Loét miệng: Những vết loét đỏ nhỏ đường kính 2-3mm, thường ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi gây đau đớn, bỏ ăn, bỏ bú, tiết nước bọt nhiều hơn.
- Phát ban ở lòng bàn tay và lòng bàn chân, cũng có thể xuất hiện trên đầu gối, khuỷu tay, mông hoặc vùng sinh dục. Phát ban thường trông giống như các nốt phẳng, màu đỏ, đôi khi có mụn nước. Các sang thương tồn tại trong vòng 1 tuần sau đó để lại vết thâm, hiếm khi loét hay bội nhiễm. Cần giữ sạch các vết phồng rộp hoặc vảy và tránh chạm vào chúng vì có thể chứa vi-rút gây bệnh tay chân miệng.
- Sốt nhẹ.
- Bú kém, biếng ăn.
- Có thể xuất hiện biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 5, nhưng đôi khi có thể đến ngày thứ 7 của bệnh.
- Giật mình chới với là dấu hiệu báo hiệu biến chứng thần kinh.
- Trẻ sốt cao hoặc nôn ói nhiều dễ có biến chứng.
- Giai đoạn lui bệnh: thường từ 3 - 5 ngày sau giai đoạn toàn phát, nếu không có biến chứng, trẻ sẽ phục hồi hoàn toàn.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tay, chân, miệng
Biến chứng thần kinh gồm: Viêm màng não vô trùng, viêm não, yếu liệt chi (yếu và liệt mềm một hoặc nhiều chi).
Biến chứng hô hấp – tuần hoàn thường xảy ra khi có tổn thương não: Mạch nhanh, huyết áp tăng, sau đó lại hạ.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
- Đưa trẻ đến bệnh viện nếu:
- Cơn sốt kéo dài hơn 3 ngày;
- Trẻ bị suy giảm hệ thống miễn dịch;
- Các triệu chứng nghiêm trọng;
- Các triệu chứng không cải thiện sau 10 ngày;
- Trẻ còn rất nhỏ, đặc biệt là dưới 6 tháng.