Những sáng kiến giảm thiểu chất thải nhựa

Những sáng kiến quy mô toàn cầu

Phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc vào năm 2014 khẳng định rác thải nhựa biển là một mối đe dọa toàn cầu mới nổi, nhiều sáng kiến đã được triển khai ở cấp toàn cầu và khu vực để giải quyết vấn đề môi trường này.

Các nước đã và đang nỗ lực đưa ra những sáng kiến phù hợp để quản lý, tái sử dụng, hạn chế xả rác thải nhựa ra môi trường

Sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ các sản phẩm nhựa – đặc biệt là đồ nhựa và bao gói dùng một lần – tăng theo cấp số nhân trong những năm qua. Trong khi đó các hệ thống quản lý chất thải còn thiếu và yếu. Nhận thức được điều này, nhiều sáng kiến mang tính toàn cầu đã được hình thành để giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở cấp toàn cầu, khu vực và quốc gia.

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), hiện có 53 sáng kiến toàn cầu, 33 sáng kiến khu vực và nhiều sáng kiến quốc gia nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.

Các sáng kiến cấp toàn cầu được tiến hành tại nhiều quốc gia nhìn chung ở dạng các hoạt động và dự án tăng cường chính sách, hoạt động và nghiên cứu do các tổ chức liên Chính phủ chủ trì.

Các sáng kiến khu vực phổ biến nhất ở các nước Nam và Đông Nam Á như Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin. Châu Mỹ La tinh và Châu Phi có ít sáng kiến quản lý chất thải cấp khu vực hơn.

Các sáng kiến toàn cầu và khu vực liên quan đến rác thải nhựa đại dương đều nhằm các mục tiêu tích cực và đầy tham vọng nhưng hầu hết các hoạt động diễn ra trên cơ sở tự nguyện mà không được quy định chặt chẽ, thiếu tính trách nhiệm. Trong đó, các hoạt động tập trung vào việc cải thiện hệ thống tái chế, giáo dục và nâng cao nhận thức, truyền thông về hiệu quả của rác thải nhựa.

Theo đó, trong số 53 sáng kiến cấp toàn cầu thì ít nhất 29 sáng kiến được hình thành từ năm 2014 trở đi. Hầu hết các sáng kiến này có phương pháp tiếp cận toàn cầu và vẫn đang xây dựng các dự án thí điểm hoặc tập trung tại một số quốc gia hay khu vực cụ thể.

Các sáng kiến toàn cầu đang vận hành tại nhiều quốc gia phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, xây dựng chính sách, được các tổ chức quốc tế chủ trì như UN-Environment, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), hoặc các doanh nghiệp và các ngành công nghiệp như Hiệp hội Nhựa toàn cầu về các giải pháp rác thải biển.

Nhiều cơ chế tài trợ khác nhau hỗ trợ hoạt động giải quyết vấn đề rác thải nhựa biển. Các công ty tư nhân hoặc các quỹ hỗn hợp tài trợ cho hầu hết các sáng kiến. Các tập đoàn đa phương lớn tài trợ cho nhiều sáng kiến như Làn sóng nhựa tiếp theo hay Mạng lưới Hành động Chống Rác thải Nhựa Toàn cầu.

Các mối quan tâm ngày càng tăng trong lĩnh vực nhựa sinh học làm xuất hiện các sáng kiến mới về rác thải nhựa như Liên minh Nguyên liệu Nhựa Sinh học do các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các công ty đa quốc gia nổi bật tài trợ.

Trong số 33 sáng kiến khu vực, có ít nhất 19 sáng kiến đang được triển khai tại Châu Âu hoặc khu vực Địa Trung Hải, đặc biệt là các quốc gia có biển đảo. Đó là bởi nồng độ và sự tích tụ rác thải nhựa và vi nhựa biển tại Địa Trung Hải tương đương với khối lượng tích tụ tại các xoáy thuận cận nhiệt đới.

Nguyên nhân khác có thể là do nhận thức cộng đồng về vấn đề rác thải nhựa biển ở Châu Âu cao hơn các khu vực khác và nhận được nhiều tài trợ hơn (như tài trợ công từ Ủy ban Châu Âu).

Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đề ra các giải pháp khu vực để giải quyết vấn đề toàn cầu về rác thải biển do các quốc gia thành viên có nhiều hoạt động gây ô nhiễm biển.

Tuyên bố Bangkok nêu các định hướng ưu tiên cho các hoạt động tương lai bao gồm giải quyết nguồn gây ô nhiễm trên đất liền và quản lý chất thải nhằm cải thiện môi trường.

Tại Châu Phi, Dự án Mạng lưới Chất thải Trên biển của Quỹ Tín thác Các vùng biển Bền vững là một sáng kiến về chất thải nhựa, tập trung vào nâng cao nhận thức và giáo dục về ô nhiễm nhựa tại Châu Phi.

Mặc dù các quốc gia tại Châu Mỹ La-tinh và Châu Phi có nhiều sáng kiến hơn, các khu vực này vẫn không được nhắc tới nhiều so với các khu vực khác như Châu Á. Chỉ có duy nhất một sáng kiến đa ngành giải quyết vấn đề chất thải nhựa “Sáng kiến khu vực để tái chế toàn diện”.

Ở cấp quốc gia, các thành viên của nhóm công tác Mạng lưới Chất thải Nhựa của Công ước Basel đề xuất 52 sáng kiến về chất thải nhựa. Trong đó, Thụy Điển có nhiều sáng kiến nhất, bao gồm các mục tiêu giai đoạn mới để ngăn ngừa chất thải; Triển khai Chỉ thị về nhựa dùng một lần; Tiêu chuẩn hóa nhựa; Ngành công nghiệp du lịch không nhựa Gotland; Tăng cường tận dụng nguồn bao gói nhựa từ các sản phẩm đem đi; Xây dựng công cụ số để phát triển các chương trình hành động chống lại rác thải biển tại các thành phố ven biển Thụy Điển; Hướng dẫn bao gói tái chế; Đem lại cuộc sống mới cho rác thải nhựa y tế; Phát triển dòng chảy nhựa tuần hoàn tại khu vực Stockholm, từ thu mua đến quản lý rác thải; Tái chế dụng cụ đánh bắt cá hỏng; Nhựa tuần hoàn từ phương tiện giao thông; Hệ thống đặt cọc hộp thức ăn tại Đại hội văn hóa Gothenburg; Sử dụng nhựa bền vững trong ngành công nghiệp đóng gói; Cơ sở hạ tầng tối ưu để giảm việc xả rác ra nơi công cộng; Lát sàn nhựa tuần hoàn; Chiến lược tăng cường phân loại chất thải nhựa công nghiệp; PlastiLOOP: chợ số về chất thải nhựa công nghiệp; Lộ trình: Hướng tới bao gói nhựa không sử dụng nhiên liệu hóa thạch và được tái chế vào năm 2030; Các hệ thống đặt cọc đối với các bao gói mang đi. Trong khi đó, Ca-na-đa và An-giê-ri lại tập trung nỗ lực vào cấm các sản phẩm nhựa cụ thể được coi là có hại (ví dụ: túi ni-lông).

Sáng kiến Việt Nam

Tại Việt Nam, nhiều sáng kiến liên quan đến chất thải đã được hình thành. Liên minh Không rác Việt Nam là một mạng lưới tập trung vào xây dựng các mô hình không rác, nâng cao năng lực, thúc đẩy mạng lưới, chuyển giao kiến thức và chia sẻ các bài học kinh nghiệm, phản biện chính sách liên quan đến chất thải.

Sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên được coi như sáng kiến tiên phong hướng tới nền kinh tế bền vững cho Việt Nam. Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam là một sáng kiến tái chế mới để cải thiện việc thu thập và tái chế bao bì. Ngoài ra, các chiến dịch xã hội khác cũng được tiến hành để chuyển tải các thông điệp rõ ràng về chất thải nhựa tại Việt Nam.

Chiến dịch Chống Rác thải Nhựa Việt Nam khá hiệu quả với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, bao gồm cả các sinh viên trong việc hình thành các sáng kiến, làm sạch môi trường và thu gom nhựa.

Chiến dịch Nói không với túi ni-lông được tiến hành nhằm mục đích thay đổi mô hình kinh doanh và nhận thức của người dân về rủi ro của chất thải nhựa.

Nhìn chung, các sáng kiến cấp toàn cầu, khu vực và quốc gia đã đóng góp vào việc thay đổi cái nhìn của cộng đồng về chất thải nhựa và cách thức phân loại, thiết kế, loại bỏ, tái sử dụng các sản phẩm nhựa. Các sáng kiến này cũng góp phần tác động tới các nhà hoạch định chính sách nhằm đảm bảo quản lý chất thải hiệu quả.

Số lượng các sáng kiến đã tăng đáng kể trong những năm gần đây và tiến trình này song hành với việc nâng cao nhận thức về rác thải nhựa cũng như tác động của rác thải nhựa tới sức khỏe con người và môi trường.