Xây dựng thị trường carbon ở Việt Nam, cần hai góc nhìn từ Chính phủ và doanh nghiệp
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh điều này khi tiếp và làm việc với ông Kakuta Tomoki, Giám đốc điều hành của Công ty cổ phần Erex, Nhật Bản, ngày 25/7.
Vui mừng gặp ông Kakuta Tomoki, Thứ trưởng cho biết, ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” hiện đang được Việt Nam xác định là những ưu tiên hàng đầu. Việt Nam đã và đang tích cực, chủ động tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển nên kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp.
Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả hội nghị COP26. Các văn bản đều đưa ra mục tiêu chuyển dịch năng lượng nhằm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng sinh khối.
Giới thiệu về Công ty Erex, ông Kakuta Tomoki thông tin, Công ty Erex là công ty sử dụng nhiên liệu sinh khối (viên nén gỗ) lớn nhất tại Nhật Bản với 06 nhà máy điện sinh khối lớn đang hoạt động với công suất gần 350MW (mức lớn nhất ở Nhật Bản). Công ty Erex đạt được nhiều chứng nhận khác nhau về bảo tồn hệ sinh thái và sử dụng bền vững nhiên liệu sinh khối, đặc biệt là công ty phát điện đầu tiên ở Nhật Bản đạt được chứng chỉ Chương trình chứng nhận quốc tế về sinh khối bền vững (GGL).
Tại Việt Nam, Công ty Erex đang phối hợp với Công ty cổ phần Năng lượng sinh khối Hậu Giang triển khai Dự án Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang với công suất dự kiến là 20MW. Erex cũng đã được cấp phép để xây dựng nhà máy điện sinh khối ở Yên Bái và Tuyên Quang với công suất 50MW, tổng vốn đầu tư có thể lên tới 100 triệu USD.
Toàn cảnh buổi tiếp và làm việc
Ông Kakuta Tomoki mong muốn, với những nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo, các nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn phát điện, thúc đẩy quá trình trung hòa các-bon, đảm bảo an ninh năng lượng cho các địa phương của Việt Nam.
Được biết năm nay, Công ty Erex đang tiến hành tham gia thị trường carbon ở Nhật Bản. Từ định hướng và kinh nghiệm đó, ông Kakuta Tomoki bày tỏ khả năng được tham gia vào thị trường giao dịch carbon ở Việt Nam và mong Bộ TN&MT tạo điều kiện để công ty được trao đổi tín chỉ carbon với các doanh nghiệp khác.
Đánh giá cao hoạt động của Công ty Erex nhằm giảm phát thải các-bon, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, thị trường carbon ở Việt Nam sẽ vận hành thử nghiệm vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028. Thị trường carbon trong nước sẽ bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ trưởng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng luôn tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đó, tín chỉ carbon thu được từ các dự án sẽ được phép lưu thông trên thị trường carbon tại Việt Nam trong tương lai, đồng thời tùy thuộc với các cơ chế song phương và ưu tiên của Chính phủ, có thể được chuyển giao về nước đối tác, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC) của các quốc gia.
Các đại biểu tham dự buổi tiếp
Hiện nay, hơn 1900 cơ sở ở Việt Nam phải xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính định kỳ. Đây là tiền đề cho các hoạt động mà Erex đang xác định đúng hướng là cung cấp tín chỉ carbon cho thị trường. Thứ trưởng giao Cục Biến đổi khí hậu sẽ làm việc cùng Công ty Erex để lắng nghe tiếng nói, kinh nghiệm của doanh nghiệp, tiến tới xây dựng các chính sách định hình cho thị trường carbon ở Việt Nam./